Mùa hè đã chính thức cập bến và với những người yêu cà phê, không lựa chọn nào tốt hơn cold brew về một thức uống cà phê trong những ngày nóng nực. Nhưng khoan hãy đi đến một công thức coldbrew, như thường lệ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về lịch sử và câu chuyện của coldbrew đã nhé.
Câu chuyện lịch sử
Về câu chuyện lịch sử, đó là những cuộc tranh luận lớn xoay quanh chủ đề này giữa Hà Lan và Nhật Bản, đâu là nơi sinh ra coldbrew?
Có những ý kiến khẳng định những thuỷ người Hà Lan trong quá trình vận chuyển cà phê để bảo quản cà phê, họ đã ngâm nó trong những thùng gỗ chính là khởi nguyên của coldbrew, nhưng thực chất đó là những câu chuyện không kiểm chứng được.
Ngược lại, ở thành phố Kyoto - Nhật bản, cold brew đã thực sự trở thành một thức uống phổ biến và được nâng tầm thành nghệ thuật, cũng ở chính nơi đây, thức uống này thậm chí còn được ghi nhận mang tên “Kyoto” trong những năm 1600 và đã được ghi chép lại trong những tài liệu cũ kĩ nhất. Mặc dù không thể xác định rõ ràng đâu và ai là người khai sinh ra coldbrew nhưng có thể nói, Nhật Bản chính là cái nôi và là nơi khiến coldbrew trở nên phát triển và phổ thông như ngày nay.
Bất kể nguồn gốc của coldbrew là gì, nó vẫn là một thức uống cà phê tuyệt vời bởi hương vị phức hợp mà nó đem lại, nó thực sự tiện lợi bất kể bạn muốn đậm hay vừa phải và nó phù hợp hơn bất kể thức uống nào khác trong những chuyến đi dài. Cũng đã có rất nhiều tài liệu chứng minh rằng cold brew được sử dụng là thức uống cà phê dành cho những cuộc chiến tranh.
Con đường trở nên phổ biến của Cold brew.
Coldbrew chỉ trở nên thực sự phổ biến trong những năm trở lại đây. Nhờ vào giao thương và du lịch trở nên cởi mở, coldbrew đã dần dà bằng nhiều cách khác nhau xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Vào thế kỉ thứ 19, Coldbrew như một thức uống hằng ngày được lính Mỹ sử trong chiến trường nhờ vào đặc điểm dễ dàng pha chế và bảo quan được trong thời gian dài. Qua thời gian, coldbrew dần được mọi người ghi nhận là một thức uống tiện dụng, khai thác được hương vị từ hạt cà phê một cách triệt để, khác biệt và đặc biệt dễ bảo quản. Nhưng thực tế, coldbrew mới chỉ thực sự trở nên phổ biến ở phương tây và trên toàn thế giới khoảng từ năm 2010; những thương hiệu cà phê lớn, điển hình là Starbucks bắt đầu sử dụng coldbrew như một phần trong menu cà phê của họ là bước đà thực sự lớn để khiến coldbrew trở nên thực sự phổ biến trên toàn thế giới như hiện nay.
Cold brew là gì?
Cold brew đơn giản là cà phê được xay thô, sau đó được ngâm với nước ở nhiệt độ thường hay tốt hơn là nước lạnh, sau đó ủ trong tủ lạnh từ 12 đến 24 tiếng. Tỉ lệ giữa nước và cà phê với cold brew khá đa dạng, tuỳ thuộc vào độ đậm nhạt mà người pha mong muốn. Cold brew là một kiểu pha chế thực sự đơn giản thậm chí với những ai không bao giờ pha cà phê ở nhà, bạn không cần cân, ấm cổ ngỗng hay bất kể thứ gì; tất cả những gì bạn cần là một chiếc bình nước, cà phê, nước và sự kiên nhẫn.
Khác với những phương pháp chiết xuất nóng truyền thống, nhờ vào sự khác biệt lớn ở nhiệt độ nước sử dụng và thời gian chiết xuất, coldbrew có một hương vị đặc trưng và rất khác biệt mà bạn không thể tìm thấy ở phương pháp pha chế nào. Vị đắng và chua rất ít, hương vị hoa quả tươi mát và nồng độ caffein cao nhờ vào thời gian thẩm thấu lâu là những gì đặc trưng của coldbrew.
Không chỉ là hương vị, những lợi ích về sức khoẻ của coldbrew cũng được đề cao. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng nếu bạn cần một ly cà phê thực sự đem đến sự tỉnh táo, coldbrew có thể làm điều đó thậm chí tốt hơn một ly espresso; bạn sẽ cảm thấy năng lượng tươi sáng hơn, vui vẻ hơn khi thưởng thức coldbrew thay vì một đồ uống cà phê nóng.
Làm cold brew thế nào?
Đầu tiên là nước.
Có 2 yếu tố bạn cần quan tâm là nhiệt độ nước và nguồn nước. Về nhiệt độ thì tối thiểu bạn phải dùng nước với nhiệt độ phòng còn tốt hơn là nước lạnh. Về nguồn nước thì bạn nên dùng nước RO hoặc nước khoáng đóng chai (Aquafina cũng là loại nước rất tốt để pha chế cà phê).
Tiếp theo là cà phê.
Loại hạt sử dụng cho coldbrew nên là Arabica bởi nó sẽ cho ra hương vị hấp dẫn và phong phú hơn. Hoặc nếu bạn chỉ cần một loại cốt cà phê để pha với sữa thì Robusta vẫn là một lựa chọn. Ngoài ra, ngưỡng rang cũng là một yếu tố cần quan tâm, nếu bạn muốn ly coldbrew đậm đà với những hương vị như chocolate, mạch nha,… hãy chọn gói cà phê với mức rang Medium trở lên. Còn bạn muốn một ly cà phê thanh mát và sảng khoái như một ly nước hoa quả thì hạt rang light hay medium light sẽ là lựa chọn lý tưởng.
Cỡ xay cà phê và tỉ lệ.
Về cỡ xay, nôm na mà nói coldbrew sẽ dùng cỡ xay thô. Nếu bạn mua cà phê xay sẵn thì hãy nhắc nhà rang xay dành cho coldbrew, sau đó bạn không cần bận tâm về cỡ xay nữa. Còn nếu bạn tự xay bằng cối xay cá nhân, hãy dùng cỡ xay thô hơn pour-over. Cái này khá khó nói nhưng chút nữa mình sẽ có phần về việc điều chỉnh các yếu tố để bạn có thể tìm ra công thức tốt nhất cho mình. Về tỉ lệ, tỉ lệ phổ thông nhất với coldbrew là 1:14 (tức 1g cà phê 14ml nước); Ngoài ra, bạn có thể giảm tỉ lệ này xuống nếu muốn cà phê đậm đà hơn. Hãy thử tỉ lệ 1:8, lúc này bạn có thể uống ngay nếu muốn một ly cà phê đậm đà hoặc pha thêm với nước hay đá để có một thức uống giải khát dễ chịu. Ngoài ra, món coldbrew sữa đá hay coldbrew cam vàng/chanh vàng cũng rất đáng thử nếu bạn cần một vài gợi ý.
Thời gian và cách thức ủ.
Ngưỡng thời gian để ủ coldbrew giao động từ 12-24h, cá nhân mình ưu tiên ủ trong khoảng 14-16 tiếng. Sử dụng hết lượng cà phê đó trong vòng 1-4 ngày là khoảng thời gian tối ưu nhất. Nói về cách thức ủ, bạn hoàn toàn thoải mái trong việc này vì có rất nhiều cách ủ khác nhau. Bạn có thể đổ thẳng cà phê vào nước, sau khi ủ xong thì lọc cà phê ra bằng một tấm vải hay giấy lọc V60; Ngoài ra có những túi lọc bạn có thể mua sẵn ở siêu thị; còn tối ưu nhất vẫn là sử dụng bình ủ coldbrew chuyên dụng, nó sẽ khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Những dụng cụ có thể dùng để ủ Coldbrew
Để ủ coldbrew, điều quan trọng nhất là bạn cần ủ với một bình chứa kín để không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, vì vậy khá đơn giản để ủ coldbrew. Có 2 cách thức chính khi ủ chính là: ngâm thẳng cà phê với nước và lọc sau khi ủ xong; cách thứ 2 là lọc trước khi ủ, nghĩa là tách phần cà phê bởi một thứ gì đó để những hạt cà phê không lẫn vào nước ngay từ đầu.
Những dụng cụ bạn có thể sử dụng để ủ coldbrew:
Các loại bình chuyên dụng:
Những loại bình này có cơ chế đơn giản, đa phần sẽ thiết kế một lõi lọc với lưới lọc siêu mịn. Bình coldbrew Timemore là một trong những dụng cụ ủ coldbrew phổ thông nhất trên thị trường bởi mức giá hợp lý và hiệu năng ổn định.
Bình French press:
Bình French press là một lựa chọn khá thông minh nhưng bạn cần lưu ý là phải sử dụng một dụng cụ nào đó để bọc kín miệng bình, phin bảo quan đồ ăn là gợi ý của mình
Gợi ý cuối cùng dành cho bạn là một tấm vải hoặc giấy lọc V60:
Ngâm cà phê cùng với nước và lọc đi khi đủ thời gian ngâm ủ sẽ là cách thức dễ nhất để bạn có thể thử nghiệm ngay coldbrew trước khi quyết định mua bất kể một dụng cụ nào kể trên.
Cách để tìm ra công thức ủ coldbrew phù hợp nhất cho bản thân.
Qua những thông tin bên trên, bạn có thể dễ dàng nhận ra việc ủ coldbrew sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất bởi những yếu tố sau: Cỡ xay, tỉ lệ và thời gian ngâm ủ. Bạn sẽ xử lí biến số của từng yếu tố qua mỗi mẻ coldbrew chứ không nên thay đổi nhiều hơn 1 yếu tố qua mỗi lần pha. Ví dụ: Nếu mẻ này bạn ủ xong thấy hơi nhạt, bạn có thể giảm tỉ lệ hoặc xay cà phê mịn hơn hoặc tăng thời gian ủ, hãy thay đổi yếu tố nào bạn cảm thấy dễ nhất nhưng hãy nhớ, chỉ tinh chỉnh 1 yếu tố sau mỗi mẻ pha mới giúp bạn tìm ra công thức tốt nhất mà không khiến bạn trở nên bị rối.
Tip: Trong hạt cà phê bạn xay ra, thường có khá nhiều hạt mịn, đây là lý do vì sao đôi khi bình cà phê của bạn có những vị đắng khó chịu, hãy sàng nó đi bằng bất kì dụng cụ sàng phù hợp nào, nó sẽ giúp hương vị của bình cà phê ổn hơn nhiều đó!
Cuối cùng, chúc bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị với món coldbrew của mình và mong rằng những thông tin này sẽ giúp ích bạn trong quá trình trải nghiệm tự pha chế.