Có thể nói, mỗi ly cà phê đều đặc biệt, cà phê có hương vị gần gũi và thơm ngon, có thể pha chế hàng ngàn công thức thú vị và ngon miệng; cà phê còn đem đến một nguồn năng lượng giúp bạn thức dậy với sự tỉnh táo cần thiết, khiến buổi chiều rệu rã trở nên bừng tỉnh. Vậy nên cà phê vốn đã đặc biệt. Thế nhưng ở một giới hạn khác của sự đặc biệt thì cà phê còn được chấm điểm dựa trên chất lượng chúng đem lại; chất lượng càng cao, điểm số càng cao và điều này khiến cà phê trở nên thực sự đặc biệt. Đây sẽ là chủ đề để bạn có thể hiểu hơn về thuật ngữ “cà phê Specialty” một cách đơn giản chỉ với 3 phút đọc. Giờ thì bắt đầu thôi!
Điều gì khiến cà phê specialty đặc biệt?
Thật dễ dàng để nói thứ cà phê mình uống hay loại cà phê mình làm ra là đặc biệt, vì vậy một hiệp hội đã ra đời để đảm bảo điều đó. The Specialty Coffee Association (SCA) hay còn gọi là Hiệp hội cà phê đặc sản đã thiết lập ngưỡng điểm trên 80 trong thang 100 điểm để cà phê được chính thức gọi là Specialty coffee.
Số điểm càng cao tỉ lệ thuận với chất lượng mà hạt cà phê đem lại. Để có số điểm cao, rất nhiều yếu tố đằng sau phải được đảm bảo một quy trình nghiêm ngặt và chỉnh chu. Từ nuôi trồng, thu hái, vận chuyển cho đến rang; mọi yếu tố đều được đánh giá kĩ càng để có thể đạt được số điểm tương ứng. Giờ hãy cùng điểm qua những yếu tố này nhé:
Điều kiện nuôi trồng.
Cà phê specialty sẽ phát triển tốt nhất ở điều kiện lý tưởng. Những yếu tố cơ bản nhất có thể kể đến thổ nhưỡng, độ cao. Chỉ khi được chăm sóc với chế độ đủ tốt, hạt cà phê mới có những phẩm chất tốt đẹp.
Thu hái
Cà phê specialty cần được thu hái đúng thời điểm chín vừa nhất. Nếu thu hái khi quả cà phê chưa đủ độ chín hay chín quá, chất lượng hương vị hạt cà phê đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với những người sản xuất cà phê, thu hái là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng của cà phê specialty.
Vận chuyển
Vận chuyển cần phải nhanh chóng và đảm bảo những điều kiện để cà phê trong quá trình vận chuyển không phát triển tệ đi. Vận chuyển nhanh chóng sẽ giữ được cà phê tươi mới.
Sơ chế
Quá trình sơ chế cũng không kém phần quan trọng, đây là yếu tố rất lớn ảnh hưởng đến hương vị của cà phê. Công đoạn này hiểu nôm na là tách vỏ và thịt của quả cà phê để lấy hạt nhân bên trong, làm sạch và phơi khô hạt cà phê. Nó cần độ chuẩn xác rất cao để cà phê được khô vừa đủ, lên men vừa đủ để có hương vị tốt nhất.
Rang cà phê
Đây là công đoạn cuối cùng, khi cà phê nhân xanh được rang lên. Tất cả những gì cần làm ở công đoạn này là tập trung khai thác tối đa hương vị của hạt cà phê. Người rang hạt cà phê specialty là một người kinh nghiệm với rất nhiều kiến thức để tất cả những công đoạn cầu kì trước đó không trở thành công cốc; tạo ra một loại cà phê thực sự đặc biệt.
Sự khác biệt của cà phê specialty và cà phê thương mại trên thị trường.
Cà phê thương mại luôn có sẵn ở các siêu thị hay các cửa hàng tiện dụng nhưng cà phê specialty thì không. Sở dĩ bởi cà phê specialty luôn đề cao sự tươi mới, vì vậy nó sẽ không nằm ủ rũ trong những kệ cà phê ở siêu thị. Các nhà rang thường rang cà phê specialty với một số lượng nhỏ hơn gấp nhiều lần so với cà phê thương mại và thậm chí chỉ rang khi có order đặt hàng để đảm bảo cà phê luôn tươi mới khi đến tay khách hàng.
Quy cách đóng gói cũng là một trong những cách phân biệt dễ nhất. Nếu cà phê thương mại thường được xay sẵn và đóng nói 500g đến 1kg thì cà phê specialty luôn được đóng gói nguyên hạt, định lượng chỉ ở 300g đổ xuống. Tất cả để giữ cho cà phê tươi ngon trong quá trình sử dụng.
…
Cà phê specialty có phải mặt hàng xa xỉ khó tiếp cận?
Đọc hết những gì bên trên thì chắc hẳn bạn nghĩ cà phê specialty là một thứ gì đó đắt đỏ và khó tiếp cận lắm đúng không? Nhưng sự thật thì không hẳn vậy, với nhu cầu ngày càng tăng cao, cà phê specialty giờ đây đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều. Rất nhiều nhà rang trên khắp cả nước, rất nhiều phân khúc cà phê đáp ứng từng nhu cầu đều đã sẵn có ở bất cứ đâu. Bạn có thể mua online lẫn offline một cách đơn giản. Mức giá của những loại cà phê specialty cũng khá đa dạng, nó có thể rất đắt đỏ nhưng cũng có thể rất hợp túi tiền số đông khi việc tự thưởng thức cà phê specialty đôi khi rẻ hơn nhiều so với việc mỗi ngày bạn uống một ly cà phê ngoài quán.
Chỉ cần một ngày bạn uống ly cà phê quen thuộc và tự hỏi: “Tại sao mình không tìm uống một loại cà phê ngon hơn?” hay “Liệu cà phê chất lượng cao uống sẽ như thế nào?” Thì đó cũng là lúc hành trình khám phá cà phê specialty của bạn đã manh nha bắt đầu.
Tất cả những gì bạn cần làm lúc đó là hãy tìm hiểu với một tâm thế cởi mở và tiếp nhận, bởi lẽ cà phê specialty sẽ khác xa, rất xa với những loại cà phê bạn vẫn thường uống suốt bao năm nay. Hãy cho cà phê specialty cơ hội được thể hiện những gì tốt nhất của nó với bạn chứ đừng dập khuôn những định kiến của mình về cà phê để đòi hỏi một thứ không tồn tại.
Góc nhìn bao quát về cà phê specialty.
Cà phê specialty là đại diện cho làn sóng cà phê thứ 3. Làn sóng thứ nhất là sự phổ cập cà phê ở quy mô toàn cầu với sự phát triển của cà phê hoà tan. Làn sóng thứ 2 cũng mang tên Specialty nhưng không hẳn vậy, nó là sự mở rộng của espresso, cappucino, latte… với những người dẫn đầu là các thương hiệu cà phê lớn như Starbucks,…
Ở làn sóng cà phê thứ 3, thời điểm hiện tại, là làn sóng của cà phê Specialty, mọi giá trị liên quan đến cà phê đều được nâng tầm chứ không chỉ cốc cà phê bạn uống. Một chuỗi giá trị từ lợi ích của người nông dân cho tới ly cà phê “đặc biệt” của bạn uống, tất cả đều được định nghĩa rõ ràng và logic. Cà phê trở nên phong phú, thú vị và đậm tính thưởng thức. Như cigar hay rượu vang.
Bạn sẽ uống cà phê hoà tan khi gấp gáp nhưng sẽ uống cà phê specialty khi cuối tuần; bạn sẽ uống cà phê quán cóc vỉa hè đề tán gẫu bạn bè nhưng sẽ đến quán cà phê specialty để thưởng thức một ly cà phê chất lượng, nghe barista miêu tả về loại hạt đang uống và chậm rãi thưởng thức từng cung bậc hương vị đầy cảm xúc.