Mình đã mất rất nhiều thời gian để nghĩ nội dung cho chủ đề pour over mà không biết phải nói gì. Đối với mình pour over có vẻ là một chủ đề hơi nhàm chán. Bởi vì ai cũng nói về nó, thông tin về pour over, các công thức được chia sẻ khắp nơi trên mạng internet. Và có vẻ như cũng chẳng có gì nhiều để nói về nó. Thế nhưng đó vẫn là phương pháp pha phổ biến nhất. Nhìn lại thì đó có lẽ là dụng cụ đơn giản nhất, dễ vệ sinh và bảo quản. Có khi còn đơn giản hơn cả phin cà phê việt nam nếu nói về cấu tạo của dụng cụ. Với sự đơn giản đó thì dụng cụ này đúng là dụng cụ pha quốc dân mà bất kỳ ai bắt đầu tìm hiểu về cà phê pha thủ công có thể ngay lập tức tiếp cận được. Tuy nhiên cũng chính với sự đơn giản đó mà các phương pháp pour over đưa cho người dùng nhiều cơ hội để tùy biến và điều chỉnh theo mong muốn của bản thân, để khám phá vô vàn yếu tố có thể ảnh hưởng tới hương vị của tách cà phê để cuối cùng có thể kiểm soát được các yếu tố ấy một cách thành thục.
Pha Pour over cần mua những dụng cụ gì?
Một bộ pha pour over cơ bản sẽ bao gồm: 1. bình rót nước; 2. server - hoặc có thể chỉ đơn giản là cốc uống cà phê của bạn, có kích thước phù hợp, thường là 250 - 300ml là đẹp; 3. phễu pour over hay gọi là dripper - cái này thì có rất nhiều sự lựa chọn cho mọi người này; 4. giấy lọc phù hợp với phễu. 5. một máy xay cà phê - thì dùng phương pháp nào bạn cũng sẽ cần có máy xay này thôi.
Trong 4 thành phần kia thì có cái phễu với giấy lọc là quan trọng nhất, để mà pha cà phê một cách không cầu kỳ. Nhiều khi những dụng cụ như bình rót hay server thì những người hay đi du lịch, camping… sẽ không chú trọng nhiều mà lựa chọn những thứ đơn giản như thay vì mang theo bình rót cổ ngỗng cồng kềnh thì chỉ cần mang một cái ca đánh sữa của barista, cũng giúp kiểm soát được khá ổn dòng nước mà thậm chí còn dùng để đun nước được, hay thậm chí rót trực tiếp nước ra từ bình giữ nhiệt. Đương nhiên đó chỉ là các phương án thay thế, còn bình cổ ngỗng vẫn là dụng cụ giúp kiểm soát dòng nước tốt hơn cả.
Phễu
Phần quan trọng nhất của bộ pha pour over chính là dripper. Đối với dụng cụ này thì lại quá là nhiều sự lựa chọn cho mọi người. Phễu V60 của Hario này, phễu Kalita đáy phẳng hay đáy 3 lỗ, 1 lỗ… gần đây còn có phễu Origami đang rất hot. Mỗi loại phễu thì tương ứng với từng loại giấy lọc khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là giấy V60 - sử dụng được với nhiều thiết kế phễu. Như Origami hay V60 của Hario đều có thể dùng chung 1 loại giấy lọc. Thường thì yếu tố vô cùng quan trọng để mình quyết định mua và sử dụng một loại phễu đó chính là… hình thức của phễu.
Nói chung đối với mình, về mặt công năng các thiết kế phễu khác nhau có ảnh hưởng tới quá trình pha cà phê theo các cách khác nhau, nhưng chỉ cần mình hiểu được cách hoạt động của dụng cụ đó, thì đều có thể điều chỉnh phương pháp cho phù hợp để tạo ra hương vị mình mong muốn. Mà những dụng cụ pha pour over này ý nó mang tính trải nghiệm rất nhiều. Việc pha một bình cà phê, nhìn cà phê nở phồng lên rồi từ từ chảy xuống cốc cà phê, đó là những lúc mà mình cảm thấy nhẹ nhàng, thư giãn, không muốn suy nghĩ quá nhiều mà chỉ muốn lấp đầy các giác quan của mình bằng những hình ảnh, những mùi, vị đẹp đẽ. Nên thật lòng mà nói mình sẽ lựa chọn một chiếc phễu có hình thức đẹp, phù hợp với thẩm mỹ của bản thân. Cá nhân mình thích những thiết kế đơn giản và dễ sử dụng, mình thường chọn phễu sứ, đơn sắc.
Ngày trước thì mình rất thích dùng phễu sứ của Brewista, chiếc phễu đó mình đã bốc thăm và trúng được trong cuộc thi Aromaster Championship tổ chức ở HN năm 2018. Xong sau này không nhớ vì lý do gì mà mình bị mất cái phễu đấy, vì thích quá nên mình đã mua lại một cái y hệt. Rãnh xoắn của Brewista thì độ xoắn nhiều hơn so với V60 mà cái gờ đó cũng cao hơn. Thế nên tốc độ nước chảy qua phễu sẽ nhanh hơn. Mà có một điểm rất hay đó là chiều xoắn của Brewista thì ngược so với đa phần những phễu khác. Nếu mà muốn nước chảy không quá nhanh nữa thì bạn chỉ cần rót ngược chiều so với chiều xoắn của phễu.
Mình đã trung thành với phễu của Brewista rất là lâu cho đến tận bây giờ mới chuyển sang dùng phễu bản bằng nhựa của Origami, vì màu quá đẹp đi. Thiết kế của Origami thú vị ở chỗ là bạn có thể dùng giấy lọc V60 hay giấy kalita wave đều được. Mình thì thường dùng giấy V60 vì - tiện và rẻ - nhà có sẵn.
Giấy lọc
Yếu tố quan trọng thứ hai sau chiếc phễu.
Giấy lọc thì đi kèm với xu hướng lựa chọn phễu của người dùng, dạng giấy V60 vẫn là phổ biến nhất. Tuy nhiên bây giờ cũng có rất nhiều chất liệu giấy khác nhau, đặc biệt là sự xuất hiện mới của brand Cafe-C, họ nghiên cứu và tạo ra các loại giấy lọc dành riêng cho các độ rang khác nhau, mà mình thấy rất tuyệt. Mọi người có thể nghiên cứu thêm về các sản phẩm của họ tại link: https://cafec-jp.com/products/filterpaper/
Đa phần mọi người khi sử dụng giấy loại dành cho light roast của Cafe - C lúc đầu đều cảm thấy có hơi dày và không quen. Nhưng với mình thì quá hay luôn, khi mình pha cà light thì luôn cố gắng điều chỉnh để tốc độ chảy chậm lại và tăng tổng thời gian lên tầm 5 phút. Mình cũng sẽ trải nghiệm nhiều hơn nữa hai loại giấy này và tìm hiểu thêm từ mọi người và từ nhà phân phối để hiểu chính xác sản phẩm của họ hơn.
Tuy nhiên cũng giống như quan điểm về dụng cụ phía trên của mình, đối với mình thì tất cả mọi loại dụng cụ hay giấy lọc, vật liệu lọc khác, với thiết kế khác nhau, ảnh hưởng tới việc pha cà phê theo các cách khác nhau, nhưng nếu mình hiểu nó thì sẽ nhanh chóng có thể tìm được một phương pháp phù hợp để điều chỉnh theo mong muốn của bản thân.
Nói chung, những dụng cụ pha pour over vốn đã rất đơn giản rồi. Dù lựa chọn thương hiệu nào, thiết kế nào. Vậy nên dụng cụ pha pour over giống như món đồ cơ bản không thể thiếu trên kệ đồ của những người pha cà phê thủ công - dù là người mới chơi hay đã tìm hiểu lâu hay những quán cà phê có phục vụ cà phê thủ công. Nếu có ai băn khoăn không biết nên chọn loại phễu nào, giấy nào,... và hỏi mình thì thì mình sẽ không ngần ngại mà nói hãy chọn loại mà bạn thấy đẹp mắt hơn. Yêu bằng mắt trước mà.
Cuppamoka - on the go pour over
Nếu có thời gian để pha và thưởng thức cà phê ở nhà thì có lẽ mình sẽ không chọn cuppamoka - vì bất kỳ phễu pour over nào khác đều có thể đáp ứng được các tiêu chí đơn giản, đẹp - ngon mắt và ngon miệng. Nhưng khi bận rộn, trong thời gian dịch chuyển - du lịch, về quê với gia đình… thì chồng mình sẽ bỏ cuppamoka vào túi hành lý trước khi mình có bất kỳ ý kiến gì. Đơn giản, gọn nhẹ, tiện dụng và Đẹp. Buổi sáng mình cũng thường pha cà phê và dùng bình cuppamoka để mang cà phê tới chỗ làm.
Có một công thức mình hay sử dụng lúc đang làm việc và cần một chút cà phê đậm để tăng sự tập trung. Mình thấy công thức này rất phù hợp với Cuppamoka, vì thiết kế phễu của cuppa giúp cho tốc độ nước chảy khá chậm, nước tiếp xúc với cà phê một cách đồng đều. Bạn có thể dùng cà phê Robusta hay Arabica đều được, rang Medium hoặc Medium Dark - tùy vào độ đậm mà bạn muốn. Mình hay dùng blend Arabica thường dùng pha espresso.
Cà phê: hạt dùng pha espresso (medium hoặc medium dark)
Xay: mịn bằng espresso hoặc thô hơn 1-2 nấc
Nhiệt nước: 93 độ C
Tỷ lệ: 15g cà phê : 200g nước.
Thao tác tráng phễu và giấy lọc như pha pour over bình thường.
Cho bột cà phê vào phễu, dàn đều bột, nhẹ nhàng tạo một lỗ ở giữa để nước thấm đều được vào bột cà phê. Rót nước từ lỗ ở giữa đó, 50g nước ủ. Dùng thìa đảo đều cho nước ngấm đều vào cà phê. Ủ trong khoảng 30-45s. Rồi rót hết lượng nước còn lại vào phễu.
Sau đó mình có thể đi làm việc khác, 10-15 phút sau tới lấy cà phê ra uống thôi. Thường thì với cách pha này cà phê sẽ mất 7-10 phút để chảy hết. Uống đậm đà, có thể dùng với sữa nóng hoặc đá đều ổn.